Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 3/7 tuyên bố sẽ kiểm soát xuất khẩu hai kim loại trên nhằm “bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia”. Từ 1/8, các bên xuất khẩu những sản phẩm và vật liệu có gallium và germanium sẽ phải xin giấy phép đặc biệt và báo cáo chi tiết về khách mua ở nước ngoài, nếu muốn vận chuyển chúng ra khỏi Trung Quốc.
Gallium và germanium là kim loại quan trọng được sử dụng để tạo sản phẩm bán dẫn, trạm gốc 5G và tấm pin mặt trời. Một số hợp chất từ gallium có những đặc tính như chịu nhiệt và độ ẩm cao hơn, dẫn điện tốt hơn silicon, là thành phần quan trọng trong chip hiệu suất cao, hoặc một số sản phẩm quân sự. Trong khi đó, germanium có khả năng bổ trợ cho silicon, thường được sử dụng trong pin mặt trời và hệ thống sợi quang.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, giá trị xuất khẩu germanium và gallium của nước này là 54 triệu và 36 triệu USD. Đây vốn là những kim loại giá rẻ ở Trung Quốc, là sản phẩm phụ của quá trình chế biến than đá và bauxite. Tuy nhiên theo các chuyên gia, tác động của các hạn chế xuất khẩu có thể lớn hơn nhiều.
Hai kim loại nói trên nằm trong danh sách nguyên liệu thô được đánh giá “rất quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu”. Tài liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cũng xác nhận Trung Quốc là nhà sản xuất gallium và germanium hàng đầu thế giới, chiếm hơn nửa lượng nhập khẩu gallium vào nước này từ 2018 đến 2021.
“Biện pháp này có tác động lan tỏa ngay lập tức với ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là các chip hiệu suất cao”, Alastair Neill, chuyên gia có gần 30 năm kinh nghiệm với ngành công nghiệp kim loại của Trung Quốc, đánh giá.
Dù không nhắc đến mục đích cụ thể, động thái này của Trung Quốc được cho là cách để trả đũa lệnh cấm từ phương Tây. Trong khi Trung Quốc cần công nghệ như máy in thạch bản để sản xuất chip, các nước phương Tây cũng cần Trung Quốc để có những nguyên vật liệu quan trọng.
Thông điệp được đưa ra ngay trước chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tới Trung Quốc, và chỉ vài ngày sau khi Hà Lan công bố
hạn chế mới
đối với việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chip. Động thái của Hà Lan được cho sẽ ngăn Trung Quốc tiếp cận với các cỗ máy sản xuất tiên tiến từ ASML.
Lưu Quý (theo WSJ, Bloomberg)